Trong những bài viết trước, chúng ta đã biết đến tầm quan trọng của ESG, khía cạnh “E” (Môi trường) và “S” (Xã hội). Nhưng trong cả ba khía cạnh, “G” (Governance – Quản trị) thường không được xem xét đến, bởi vì đa số mọi người cho rằng nó không liên kết trực tiếp đến tính bền vững hoặc không góp phần trực tiếp vào hoạt động bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị xã hội. Tuy nhiên, thành phần “G” hay quản trị doanh nghiệp là yếu tố bắt buộc để xây dựng tính lâu dài, bền vững và để tuân thủ quy định chung trong kinh doanh.
“G” trong ESG là gì?
“G” trong ESG thể hiện cơ chế giám sát, kiểm soát, thủ tục và thông lệ cần thiết để quản lý và đưa ra các quyết định hiệu quả vì lợi ích chung của doanh nghiệp. Đồng thời, quản trị là nền móng để thiết lập các mục tiêu của doanh nghiệp và bước đệm giúp doanh nghiệp thành công lâu dài.
Để đạt được điều trên, các nhà quản trị cần tập trung vào trách nhiệm giải trình, tính minh bạch và trách nhiệm của công ty. Quản trị doanh nghiệp có thể áp dụng cho mọi quy mô kinh doanh vì hầu hết các doanh nghiệp đều muốn đạt được mục tiêu đề ra.
“G” trong ESG đề cập đến những chủ đề và khía cạnh nào? Tại sao “G” lại quan trọng?
Thực tế là không có danh sách chính xác hoặc giới hạn các thành phần trong Quản trị. Theo Khung các vấn đề chính để xếp hạng ESG (ESG Ratings Key Issue Framework) của công ty MSCI, các khía cạnh Quản trị có thể được chia thành:
- Cấu trúc
- Chi trả
- Quyền sở hữu
- Kế toán
- Đạo đức kinh doanh
- Minh bạch thuế
Tùy thuộc vào ngành nghề kinh doanh mà các chủ đề sau đây có thể liên quan:
- Quản lý rủi ro và khủng hoảng
- Quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu
- Chống tham nhũng
Các bên thứ ba cung cấp dịch vụ phát triển bền vững thường chia nhỏ các yếu tố ESG theo các khuôn khổ và tiêu chuẩn riêng. Tuy nhiên, nhìn chung, các tổ chức này luôn hướng tới một mục đích là cung cấp cái nhìn tổng quan về cách các yếu tố ESG tham gia vào quá trình kinh doanh.
Khía cạnh “G” áp dụng như thế nào đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN)?
Thay vì áp dụng một cách khuôn mẫu những gì được đề cập liên quan đến Quản trị, doanh nghiệp cần điều chỉnh nó cho phù hợp với bối cảnh và khả năng hiện tại.
1. Xây dựng cơ cấu tổ chức
Nếu quy mô quá nhỏ để có thể phân chia thành các phòng ban và bộ phận, doanh nghiệp cần xác định các mảng kinh doanh cốt lõi để quản lý, chẳng hạn như tài chính, nhân sự, tiếp thị và quản trị. Việc bàn giao trách nhiệm cho các thành viên trong tổ chức giúp nâng cao trách nhiệm giải trình và tạo điều kiện để giao tiếp hiệu quả. Xây dựng bản mô tả công việc rõ ràng kèm hướng dẫn chính xác là chìa khóa để phát triển doanh nghiệp thành một tổ chức có uy tín, với vai trò, trách nhiệm và quyền hạn rõ ràng.
2. Có vốn lưu động và quản lý dòng tiền
Điều này có thể hiểu đơn giản là việc tách nguồn tiền và tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp khỏi nguồn tiền cá nhân và tài khoản của những người sáng lập. Việc theo dõi và phân tích dòng tiền thường xuyên là cần thiết để lập kế hoạch hiệu quả cho vốn lưu động và nhu cầu tài chính cũng như các chiến lược đầu tư kinh doanh. Chìa khóa để thương lượng khi tiếp cận các nhà đầu tư tiềm năng là có sự đánh giá khách quan về giá trị đầu tư của doanh nghiệp.
3. Công khai tài chính doanh nghiệp
Chuẩn bị các tài khoản tài chính cơ bản và sử dụng thông tin này một cách nhất quán để đăng ký, báo cáo và dành cho các mục đích khác. Tính nhất quán trong việc duy trì các hồ sơ tài chính là rất quan trọng đối với các nhà đầu tư tiềm năng và các tổ chức tài trợ, vì nó giúp họ đánh giá tốt hơn về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.
4. Xác định rõ vai trò của các nhà sáng lập và cổ đông
Đặc biệt là với công ty gia đình hoặc có những thành viên trong gia đình là đồng nghiệp, việc xác định rõ vai trò, quyền hạn và cách giao tiếp với họ cũng như với nhân viên công ty là rất quan trọng. Điều này sẽ giúp giảm thiểu hành vi không công bằng như bao che, dung túng cho người nhà, dẫn đến mâu thuẫn nội bộ.
Tại sao các DNVVN nên quan tâm đến việc quản trị hiệu quả?
Tuy quản trị thường được áp dụng cho các doanh nghiệp lớn, khía cạnh này cũng không kém phần quan trọng với DNVVN. Theo Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) và Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA) – tổ chức kế toán chuyên nghiệp toàn cầu, dưới đây là một số lợi ích doanh nghiệp có thể đạt được từ việc quản trị tốt:
- Giúp cải thiện danh tiếng thương hiệu nói chung sẽ khiến nhân viên trở nên gắn kết với công ty, còn khách hàng thì trung thành hơn.
- Khả năng tiếp cận tài chính tốt hơn, vì những doanh nghiệp có ít rủi ro sẽ thu hút và có được sự tin cậy từ các nhà đầu tư và ngân hàng hơn.
- Cơ cấu tổ chức hiệu quả giúp doanh nghiệp phân bổ trách nhiệm quản lý hợp lí, định hướng chiến lược cụ thể để tăng trưởng bền vững.
- Việc quản lý thông tin và truyền thông tốt trên tất cả các hoạt động kinh doanh giúp quy trình đưa ra quyết định trở hiệu quả và nhanh chóng hơn.
- Văn hóa kiểm toán hiệu quả, do khả năng tuân thủ các tiêu chuẩn cao hơn.
- Giúp giảm thiểu và quản lý các rủi ro về môi trường và xã hội mà doanh nghiệp có thể đối mặt.
Qua bài viết, bạn có thể đã thấy được tầm quan trọng của việc quản trị hiệu quả và có cấu trúc tốt có ích như thế nào tới doanh nghiệp, kể cả các DNVVN. Các khía cạnh E, S và G của ESG đều quan trọng như nhau và bổ sung lẫn nhau giúp doanh nghiệp tiến hành công việc kinh doanh một cách bền vững. Hãy theo dõi các bài viết tiếp theo của chúng tôi để biết thêm các chủ đề về ESG và tính bền vững nhé!
Trả lời