Điều hành doanh nghiệp là công việc đầy thử thách, do đó nếu doanh nghiệp không xác định chính xác tình trạng tài chính thì có thể gây ra nguy hại đến sự sống còn và phát triển. Để tránh tình trạng này, doanh nghiệp cần kiểm tra sức khỏe tài chính bằng các chỉ số dưới đây.
Tỷ lệ nợ nằm trong phạm vi có thể kiểm soát
Có hai loại tỷ lệ nợ doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý là tỷ lệ nợ trên tổng tài sản (debt-to-asset ratio) và tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu (debt-to-equity ratio). Tỷ lệ nợ trên tổng tài sản cho thấy bao nhiêu phần trăm tài sản của doanh nghiệp được tài trợ từ các khoản nợ, tiền vay. Tỷ số này càng cao thì mức độ rủi ro càng lớn, cho thấy tài sản của doanh nghiệp đang phụ thuộc quá nhiều vào các khoản nợ. Trong khi đó, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là phần trăm giữa vốn doanh nghiệp huy động từ hoạt động cho vay với khoản vốn chủ sở hữu.
Ổn định về dòng tiền giúp doanh nghiệp đối phó với những khó khăn
Khi có sự gia tăng về mặt doanh thu, doanh nghiệp thường sẽ dùng nguồn tiền ấy đầu tư trở lại vào hoạt động kinh doanh. Nhưng doanh thu cũng cần được quản lý tốt để tránh việc có nhiều tài sản nhưng lại thiếu thốn tiền mặt. Việc thiếu thốn về nguồn tiền có khả năng khiến doanh nghiệp bên bờ vực phá sản khi khó khăn bất chợt ập đến, và nguy hiểm hơn khi doanh nghiệp không có tài sản có tính thanh khoản. Do đó, doanh nghiệp cần có nguồn tài chính ổn định để đáp ứng nhu cầu dòng tiền ngắn hạn bằng việc tập trung quản lý tốt chi phí hoạt động trong tương lai.
Chi phí tăng nên đi đôi với việc gia tăng trong doanh thu
Doanh nghiệp phát triển có khả năng dẫn đến chi phí tăng, nhưng sự gia tăng này chỉ hợp lý khi doanh thu cũng tăng tương đương. Nếu tăng trưởng của doanh thu và chi phí có khoảng cách thì doanh nghiệp nên giữ khoảng cách ấy trong phạm vi có thể chấp nhận được.
Sự hài lòng của nhân viên và khách hàng
Không những chủ doanh nghiệp mà cả nhân viên cần cảm thấy hài lòng trong quá trình làm việc. Doanh nghiệp nên kiểm tra tỷ lệ nghỉ việc và phỏng vấn nhân viên để đánh giá liệu công việc hiện tại có đủ thử thách để họ có cơ hội học hỏi và phát triển không. Nếu nhân viên không cảm thấy có động lực hay hạnh phúc khi làm việc thì môi trường hoặc hệ thống cần phải được cải thiện.
Doanh nghiệp cũng cần chú tâm đến sự hài lòng của khách hàng bằng việc khảo sát xem họ có hài lòng với dịch vụ hay sản phẩm không. Những khách hàng cảm thấy hài lòng có khả năng cao sẽ mua lại sản phẩm và giới thiệu thương hiệu đến với các khách hàng khác. Ngược lại, những khách hàng không hài lòng với sản phẩm và dịch vụ có thể làm giảm lượng khách hàng mới tiềm năng đến với doanh nghiệp của bạn.
Trả lời